Diều kiện cần tối thiểu mở công ty tư vấn về quản lý chất lượng.
Chào tất cả mọi người.
Hiện nay mình đang có suy nghĩ tầm khoảng 3 năm nữa mình sẽ mở công ty tư vấn quản lý chất lượng, và sâu xa hơn là việc thực hiện các dự án nhằm cải tiến trong mọi lĩnh vực ví dụ :dịch vụ, trong sản xuất, y tế…
Vậy mọi người- những người đã có kinh nghiệm về luật có thể giúp mình định hướng xem những điều kiện cần có để thành lập công ty.
Về mình: đang theo học chuyên ngành chế tạo máy ,đang học về lean six sigma…tầm khoảng 2 năm nữa là thành quả của mình sẽ chín .
Rất mong mọi người cho ý kiến vì mình cũng sắp tốt nghiệp và theo đuổi đam mê đó.
Answers ( 2 )
Chào bạn!
Với nội dung bạn đã nêu ở trên Luật sư tư vấn cho bạn những nội dung trọng tâm bạn cần lưu ý như sau:Khi bạn muốn thành lập doanh nghiệp do mình làm chủ sở hữu, theo quy định của Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì bạn cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Thứ nhất: Điều kiện về chủ thể. Theo khoản 2 Điều 13 Luật DN, bạn phải không thuộc một trong các đối tượng sau đây:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
– Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
– Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
Thứ hai: Về loại hình doanh nghiệp: Bạn muốn một mình mình làm chủ sở hữu công ty thì bạn có thể lựa chọn loại hình Doanh nghiệp tư nhân hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Thứ ba: Về nghề kinh doanh: Theo sự mô tả về ngành nghề của bạn thì đối chiếu với quyết định 10/2007/QĐ-TTg và quyết định 337/2007 BKH về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam thì bạn có thể đăng ký ngành nghề trong hoạt động tư vấn quản lý mã ngành 7020, hoạt động tư vấn kỹ thuật khác có liên quan mã ngành 7110. Các ngành nghề này không thuộc các danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên bạn lưu ý nếu trong lĩnh vực y tế thì cần có những điều kiện nhất định khi đăng ký.
Chào bạn ! Liên quan tới câu hỏi của bạn Luật sư có ý kiến tư vấn như sau:
Để thành lập công ty trước hết bạn phải chọn được loại hình công ty. Theo các quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 thì bạn có thể lựa chọn các loại hình công ty sau: Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở nên, Công ty Cổ phần, Công ty hợp danh.
Về điều kiện để thành lập doanh nghiệp
Căn cứ vào điều 28 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau:
Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
Đối chiếu với quy định trên của pháp luật thì để thành lập được doanh nghiệp bạn phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề không thuộc các trường hợp bị cấm.
– Tên của doanh nghiệp dự kiến thành lập không được trùng hay gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
– Hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải hợp lệ
– Đã nộp đủ lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định.
Ngoài những điều kiện nêu trên bạn còn phải đáp ứng được điều kiện: Thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp không thuộc các trường hợp không có quyền góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp ( quy định tại khoản 2 điều 18 Luật doanh nghiệp ).