Biển hiệu doanh nghiệp

Question

Luật sư cho em hỏi, em đang làm 1 công ty cổ phần mới thành lập, công ty thường làm qua mạng, email. Sếp em không muốn tốn chi phí để làm biểu hiệu vì không cần thiết cho hoạt động công ty lắm. Sếp giao việc này cho em tìm hiểu có cần thiết phải làm biểu hiệu không? Em có tìm hiểu qua luật doanh nghiệp thì không thấy quy định gì cả? Nhưng em có đọc qua một số bài viết của về các công việc mà các công ty sau khi thành lập phải treo biểu hiệu.

Em muốn hỏi luật sư, quy định về việc treo biểu hiện như thế nào? không treo có việc gì không?

Cảm ơn luật sư.

in progress 0
Libra_L 7 năm 16 Answers 59 views 0

Answers ( 16 )

  1. 1. Nghĩa vụ gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính:

    Luật Doanh nghiệp quy định tại Điều 31, khoản 2: “Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành”.

    2. Quy định của pháp luật về việc treo biển hiệu công ty:

    Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định về việc treo biển hiệu của doanh nghiệp tại điều 22, điều 23 như sau:

    “Điều 22: Các hình thức biển hiệu:

    Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân dưới các hình thức bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn néon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam không phải xin phép nhưng phải tuân theo những quy định tại Điều 23 Quy chế này.

    Điều 23: Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu

    1. Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:

    a) Biển hiệu phải đảm bảo mỹ quan

    b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

    2. Vị trí biển hiệu:

    Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

    3. Nội dung biển hiệu:

    a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

    b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

    c) Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;

    d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);

    đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);

    e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào”.  

    3. Chế tài đối với hành vi không treo biển hiệu công ty:

    Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định tại Điều 32, khoản 2.cnhư sau:

    “2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    c) Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp”

    Trên đây là ý kiến tư vấn của luật sư về vấn đề bạn hỏi, hy vọng giúp bạn làm sáng tỏ vấn đề mà bạn đang quan tâm,

  2. Chào bạn,

    1. Bạn chiểu theo quy định về phạm vi điều chỉnh của Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh được văn hóa công cộng ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP để xác định về nội dung ngành nghề của công ty mình nhé:

    “Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

    a) Quy chế này quy định các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (sau đây gọi là Quy chế) bao gồm: lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác;

    b) Nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định tại Quy chế này bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác có tổ chức các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa quy định tại điểm a khoản này.

    2. Như đã tư vấn cho bạn, khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp xong thì công ty bạn phải thực hiện treo biển hiệu theo quy định.

  3. Chào luật sư,

    Tôi muốn hỏi về biển hiệu Công ty.

    Công ty tôi có  biển hiệu tại trụ sở chính của doanh nghiệp, nhưng chúng tôi không hoạt động tại đó. Khi cán bộ thuế đến kiểm tra, do lấn chiếm lòng lề đường nên biển hiệu đã bị tịch thu cách đó vài ngày và không có hồ sơ tại vị trí hoạt động đó.

    Nhưng tại trụ sở công ty, chúng tôi lại có treo biển cửa hàng. Nhưng cửa hàng này chúng tôi chỉ để treo, tiện khách hàng giao dịch, không đăng kí trong giấy phép đăng kí kinh doanh và cũng không đăng kí tên chủ cửa hàng.

    Chúng tôi đang phải làm công văn giải trình cho Thuế về vấn đề biển hiệu này và Thuế lập biên bản các vấn đề về không có biển hiệu, không có hồ sơ tại trụ sở, không đăng kí tên cửa hàng. Vậy tôi muốn hỏi luật sư công ty tôi phải giải trình như thế nào để cả Công ty và cửa hàng đều không vi phạm pháp luật về thuế.

    Xin trân trọng cảm ơn!

     

  4. Như nội dung bạn trình bày, hiện doanh nghiệp của bạn đang có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, cụ thể:

    1. Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp – vi phạm điểm c, khoản 2 điều 32 Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (sau đây gọi tắt là NĐ 155), có thể bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

    2. Không lưu giữ các tài liệu và con dấu tại trụ sở chính theo quy định của pháp luật – vi phạm điểm d, khoản 2 điều 32  NĐ 155, có thể bị phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.

    3. Kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh – vi phạm khoản a, điểm 1 điều 35 NDD155, có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

    Theo điều 44 Luật xử phạt vi phạm hành chính và điều 48 NĐ 155, cơ quan thuế nơi doanh nghiệp có trụ sở chính có thẩm quyền xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm. Doanh nghiệp của bạn có thể giải trình nhưng để được đánh giá là không vi phạm là điều rất khó nếu không nói là không thể thực hiện được. Bạn có thể đưa ra các tình tiết làm giảm nhẹ trách nhiệm như: lần đầu vi phạm, chưa gây hậu quả nghiêm trọng, có treo biển nhưng do khách quan biển rơi hoặc do dựng biển vô ý nên bị tịch thu… đồng thời với việc giải trình là việc khắc phục ngay hiện trạng: cho gắn biển tại trụ sở chính, thực hiện thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc mở địa điểm kinh doanh, cho lưu giữ hồ sơ pháp nhân và con dấu tại trụ sở chính.

  5. Luật sư cho em hỏi thêm về biển hiệu.

    Em ở Thái Nguyên thấy các biển hiệu của các cơ quan hành chính hay các doanh nghiệp đều làm theo một mẫu là:

    Biển ốp nhôm bóng mầu vàng, chữ cũng vàng.

    Nếu đi ở ngoài đường mà đọc tên thì cực kỳ khó, cứ phải sát vào khoảng 2m thì mới đọc được.

    Vậy nếu biến khó đọc như thế có bị phạt không ạ?

     

  6. chào luật sư

    Công ty em bán hàng điện tử, ở tầng 2 của tòa nhà có treo biển hiệu kích thước dài 3m9, cao 2m

    chỉ in hình logo của công ty. Theo quy định treo biển hiệu thì logo chỉ được 20% biển hiệu. Bên CA phường yêu cầu bên công ty phải đăng ký biển hiệu này với sở VH TT DL. Luật sư có thể hướng dẫn em đăng ký như thế nào không.

    Chân thành cám ơn luật sư

     

  7. 1. Quy định về biển hiệu của doanh nghiệp:

    Biển hiệu của doanh nghiệp phải có các nội dung sau:

    (i) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

    (ii) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

    (iii) Địa chỉ, điện thoại.

    Kích thước biển quảng cáo của doanh nghiệp phải đáp ứng được quy định:

    (i) Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

    (ii) Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

    Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

    (Tham khảo điều 34 Luật quảng cáo).

    Vì không có thông tin chiều ngang mặt tiền nhà nơi đặt biển nên chúng tôi không rõ chiều ngang 3m9 của biển có phù hợp với chiều ngang căn nhà, do vậy bạn căn cứ quy định trên để thực hiện cho đúng nhé.

    Ngoài ra, nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng quy định về việc treo biển hiệu của doanh nghiệp tại điều 23 như sau:

    “Điều 23: Mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu

    1. Mỹ quan, chữ viết biển hiệu:

    a) Biển hiệu phải đảm bảo mỹ quan

     b) Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

    2. Vị trí biển hiệu:

    Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

    3. Nội dung biển hiệu:

    a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có);

    b) Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

    c) Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;

    d) Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);

    đ) Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);

    e) Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào”. 

    Như vậy, nếu là biển hiệu doanh nghiệp thì phải tuân thủ các quy định trên.

    2. Quảng cáo trên bảng quảng cáo.

    Nếu công ty bạn muốn quảng cáo sản phẩm trên bảng quảng cáo thì việc đặt bảng quảng cáo phải tuân thủ quy định về khu vực bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa; hành lang an toàn giao thông, đê điều, lưới điện quốc gia; không được che khuất đèn tín hiệu giao thông, bảng chỉ dẫn công cộng; không được chăng ngang qua đường giao thông và phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo của địa phương và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

    Các sản phẩm quảng cáo thể hiện trên bảng quảng cáo phải ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện.

    Việc quảng cáo trên bảng quảng cáo phải được thông báo với các nội dung cụ thể như sau:

    (i) hồ sơ thông báo gồm:

    (-) Văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn;

    (-) Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo;

    (-) Bản sao giấy tờ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để quảng cáo theo quy định;

    (-) Ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu có chữ ký của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc chữ ký của người quảng cáo trong trường hợp tự thực hiện quảng cáo;

    (-) Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng bảng quảng cáo;

    (-) Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo;

    (-)  Bản sao giấy phép xây dựng công trình quảng cáo đối với loại bảng quảng cáo phải có giấy phép xây dựng theo quy định.

    (ii) thời hạn thông báo: trước khi tiến hành quảng cáo 15 ngày, trong 5 ngày mà không nhận được văn bản từ chối thì doanh nghiệp được đăng quảng cáo trên bảng quảng cáo.

    (iii) cơ quan nhận thông báo: Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt bảng quảng cáo.

    Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.

  8. Thưa Luật sư !

    Cùng vấn đề về đặt biển hiệu.

    Với mặt tiền ngang của cty em là 4,2m. Thì em đã đặt bảng hiệu có kích thước là 4,2x4m. Thời gian hoàn thành là ngày 1/8/2014

    Sáng nay, 24/9 trên phường xuống thông báo biển hiệu của cty em bị sai quy định về kích thước, màu sắc chữ, và kích thước font chữ. Em hỏi rõ là quy định cụ thể như thế nào thì bên phường không nói ! Hix.  Chỉ nói với em là phải sữa lại cho đúng tiêu chuẩn, nếu không sẽ bị phạt 25tr/met vuông. Em Thật mơ hồ !

    Em thì không biết cụ thể về quy định kích thước biển hiệu như thế nào, cách tính vượt quá quy định như thế nào ? (VD: chiều ngang của biển hiệu là 4,2m thì chiều cao của biển hiệu sẽ là bao nhiêu ?)

  9. Điều 66 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định:

    Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu kinh doanh mà không có biển hiệu.

    Theo điều 45 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng.

    Trường hợp của bạn nếu trước đó có treo biển nhưng do mưa bão biển mới bị rơi thì nên làm đơn và đưa ra các bằng chứng chứng minh (ví dụ: ảnh chụp biển hiệu tại cửa hàng trước đó, hợp đồng lắp đặt biển hiệu….) để cơ quan thẩm quyền xem xét.

  10. Chào Luật Sư!

    Cũng liên quan tới biển hiệu, hiện e đã thành lập công ty nhưng chưa hoạt động vậy nên có phải bắc buộc phải làm biển hiệu tên công ty không a?

    e xin cảm ơn.

     

  11. Chào admin,

    Bên em có tình huống là dùng 1 căn hộ chưng cư làm chỗ ngồi làm việc nhưng không khai báo đăng ký là văn phòng chính thức, vậy có phải treo biển công ty không?

    Cảm ơn chị.

     

  12. Chào luật sư!

    Công ty em có địa chỉ trụ sở là một căn biệt thự có cổng bên ngoài và cửa bên trong nhưng cùng hướng ra phía ngoài đường, và công ty không đặt biển tại cổng ngoài mà đặt biển tại cửa ra vào của tòa nhà bên trong, từ vị trí biển ra đến mặt cổng là 20m, nhưng đứng từ cổng nhìn vào thì vẫn thấy biển. Luật cho cho em xin hỏi là công ty em đặt biển như thế có không đúng với điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về biển hiệu công ty không ạ em cám ơn trước 

  13. Hiện nay các nội dung quản lý nhà nước liên quan đến biển hiệu được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có quy định về biển hiệu của tổ chức, cá nhân kinh doanh, theo đó quy định:

    Tên doanh nghiệp phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

    – Vị trí cụ thể của biển hiệu: Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân;

    Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

    Như vậy, bạn có thể đặt biển tại cổng hoặc mặt trước của trụ sở đều được, chú ý nếu đặt biển ở phía trong (vẫn là mặt trước) thì cần chú ý kích cỡ biển sao cho dễ quan sát, nhận biết và tìm kiếm.

    Ngoài ra, về nội dung biển hiệu bạn cần chú ý phải có các thông tin: tên cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nếu có, tên gọi của doanh nghiệp bằng chữ Việt Nam theo đúng tên đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; loại hình doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn hoặ cổ phần, hoặc loại hình khác), logo (nếu có) với kích cỡ không quá 20% biển hiệu; địa chỉ giao dịch của doanh nghiệp.

  14. Thanks luật sư . Luật sư đúng là am hiểu quy định về biển hiệu ạ hihi :”>

  15. Luật sư cho e hỏi Nghị định 103/2009 là Nghị định quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng (tức là hoạt động đặc thù) thôi chứ bao quát hết làm sao được toàn bộ về doanh nghiệp ạ. Ví dụ: Công ty em không hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thì Nghị định này không điều chỉnh biển hiệu của Công ty em, có đúng không ạ?

  16. Chào em,

    Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng nhằm điều chỉnh các hoạt động văn hóa công cộng, theo đó điều chỉnh các hành vi liên quan đến văn hóa nói chung (lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khẩu, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, tổ chức lẽ hội…) và quy định cụ thể về viết, đặt biển hiệu áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, do vậy, tính phạm vi ở đây là xét chung cho mọi đối tượng chứ không phải chỉ cho riêng những doanh nghiệp (hoặc cá nhân) có những hoạt động văn hóa cụ thể. Do vậy, về biển hiệu doanh nghiệp, công ty em vẫn phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này.

Leave an answer

Browse
Browse